Ý tưởng thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: 6 Bước để hợp nhất các luồng tư duy của nhóm các chuyên gia đa ngành

Nov 28, 2016 | News & Updates, Tiếng Việt, Vietnam, Ý tưởng về Tổ chức

Read in English

Nhiều người trong số chúng ta đã biết rất rõ một điều rằng: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp lên tất cả chúng ta, và nó sẽ đem đến những thay đổi lớn với cách chúng ta sinh hoạt, làm việc và giải trí. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới:

Có ba lý do giải thích tại sao những sự biến đổi hiện nay không chỉ đơn thuần là một sự kéo dài của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba mà là sự xuất hiện của cuộc Cách mạng lần thứ 4, một cuộc cách mạng hoàn toàn khác xét về tốc độ, phạm vi ảnh hưởng, và các hệ thống tác động. Tốc độ của những bước đột phá hiện tại hoàn toàn không có tiền lệ trong lịch sử. Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển với tốc độ luỹ thừa chứ không phải là một tốc độ tuyến tính đơn thuần. Hơn nữa, nó sẽ làm đảo lộn hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Mức độ sâu và rộng của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

Chính vì vậy, khả năng phối hợp với người khác, đặc biệt là những người đến từ ngành nghề, chuyên môn khác, sẽ trở nên vô cùng quan trọng trong việc tạo ra các giải pháp phù hợp với bối cảnh thời đại mới. Nói thì dễ, làm được mới là khó, nhất là khi bạn cần tập hợp một nhóm các chuyên gia xuất sắc. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn có thể thực hiện được.

Dưới đây là sáu bước để hợp nhất các luồng tư duy của nhóm các chuyên gia đến từ các lĩnh vực khác nhau:

1. Làm rõ mục đích của cả đội nhóm
Trước khi tập hợp bất kỳ nhóm các chuyên gia đến từ những lĩnh vực gì, việc đầu tiên chính là xác định rõ ràng về mục đích hoạt động của cả nhóm. Hãy hỏi từng cá nhân xem liệu họ có cảm thấy thôi thúc hay có một niềm đam mê tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề mà bạn đã đưa ra. Rất nhiều những thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngày hôm nay không thể được giải quyết thông qua các buổi luận bàn ý tưởng ngắn gọn. Chúng đòi hỏi sự nỗ lực phối hợp trong nhiều năm, và điều này sẽ đòi hỏi khả năng chịu đựng của từng cá nhân. Vì vậy, cần làm rõ mục đích của cả đội nhóm, những vấn đề mà nhóm đang tìm cách giải quyết và cần chắc chắn rằng tất cả mọi người cùng chia sẻ mục đích đó trước khi quyết định tiến hành hoạt động.

2. Tôn trọng lẫn nhau là điều vô cùng cần thiết
Nhìn chung trong xã hội hiện nay vẫn tồn tại xu hướng cạnh tranh quá mức, vì vậy mà vô hình chung khi các chuyên gia ngồi lại với nhau, họ thường cố gắng chứng tỏ năng lực và giá trị cá nhân của mình. Việc xây dựng một môi trường làm việc tôn trọng lẫn nhau có thể sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn đầu, nhưng đó lại là một việc vô cùng quan trọng. Bất cứ ai với cương vị là người điều phối đội nhóm phải đảm bảo rằng quan điểm của tất cả mọi người đều được lắng nghe. Mỗi người tham gia phải có khả năng tôn trọng những ý kiến từ những người khác. Nếu thiếu đi sự tôn trọng lẫn nhau, niềm tin giữa các thành viên không thể được nuôi dưỡng, và bất kỳ nỗ lực tạo ra ý tưởng nào cũng sẽ không thể tiến xa.

3. Trân trọng chuyên môn khác nhau của từng người
Khi niềm tin bắt đầu bén rễ, mỗi người phải có thái độ cởi mở với những giá trị và quan điểm chuyên môn của người khác. Dù mỗi người trong chúng ta đều có những điểm mạnh riêng, chúng ta phải có một tư duy mở để có thể làm giàu vốn kiến thức của mình trong quá trình đội nhóm đào sâu nghiên cứu và học hỏi lẫn nhau. Điều này không phải chỉ để thể hiện sự lịch sự với đồng nghiệp. Một khi các thành viên có tư duy mở để tiếp thu những điều mới khi đội nhóm trao đổi những bí kíp chuyên môn thì khả năng xem xét vấn đề từ góc độ tăng đa ngành của cả nhóm sẽ tăng lên, nhờ đó chúng ta sẽ có thể nhìn nhận các thách thức dưới một góc độ mới.

4. Mở rộng phạm vi an toàn quen thuộc của chính mình
Một khi niềm tin trong đội nhóm được gây dựng và bồi đắp từng ngày, cùng với sự trân trọng các kỹ năng của các thành viên tăng lên, thì việc lên ý tưởng sẽ chuyển từ đơn thuần chỉ cố gắng để chứng minh luận điểm của mình, sang cùng nhau đào sâu hơn để thực sự giải quyết vấn đề. Và một trong những dấu hiệu của điều này là khi các thành viên chủ động mở rộng phạm vi an toàn quen thuộc của mình để khám phá những điều mới từ những thành viên khác. Giống như trong đội ngũ của chúng tôi hiện nay, cùng với các đồng nghiệp đến từ đơn vị tư vấn quy hoạch và thiết kế CPG, chúng tôi đã có thể cùng nhau thảo luận về tác động của tín ngưỡng, nghi lễ tôn giáo và một thế hệ thiếu sự chú tâm tới vấn đề phát triển bất động sản và xây dựng nơi chốn.

5. Nuôi dưỡng một khung tư duy chung
Khi một nhóm chuyên gia có thể mở rộng phạm vi tư duy và hoạt động an toàn của mình, một lăng kính nhìn nhận vấn đề mới sẽ được tạo ra. Điều này sẽ tạo nên một khung tư duy chung – kết quả của việc tích hợp các luồng tư tưởng khác nhau trong suốt quá trình phối hợp hoạt động. Một buổi chia sẻ sẽ được sắp xếp định kì cho tất cả các thành viên chia sẻ suy nghĩ về công việc của mình và về việc bản thân đã chịu ảnh hưởng như thế nào bởi những luồng tư duy chung của cả nhóm. Làm như vậy sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự thay đổi trong chiều sâu của tư tưởng và tác động của giải pháp thiết kế lên đội nhóm.

6. Sự rõ ràng và tác động của kết quả
Để đảm bảo rằng công cuộc lên ý tưởng đem lại trái ngọt, đội nhóm phải luôn luôn làm rõ tác động của quá trình suy nghĩ lên vấn đề cần giải quyết và làm thế nào để đo lường giá trị và ảnh hưởng của nó. Điều này giúp thiết lập một cơ chế phản hồi hữu ích và gợi nhắc cho các thành viên về sứ mệnh mà mình chọn lựa, đồng thời tránh sự ngạo mạn hoặc chìm đắm trong việc suy nghĩ vô tận mà không có hành động cụ thể.

Chúng ta đang sống trong một thời đại với nhiều thách thức. Tuy nhiên, các giải pháp được tạo ra trên cơ sở góc nhìn đa ngành sẽ đem lại hiệu quả đáng kinh ngạc. Chúng ta rất may mắn được sống trong thời đại mà mỗi người đều có nhiều cơ hội để học hỏi và chia sẻ lẫn nhau. Những cuộc khủng hoảng trong thời đại này, từ khủng bố, đói nghèo đến y tế, kinh doanh, biến đổi khí hậu, v.v., sẽ không chỉ cần sự hợp nhất về tư duy mà còn cần sự hiệp đồng của trái tim. Hy vọng rằng, mỗi chúng ta có thể góp phần giúp đỡ những người xung quanh khám phá sức mạnh đáng kinh ngạc của việc giải quyết vấn đề cùng nhau, khi chúng ta mở rộng tư duy, trân trọng khả năng của người khác và phối hợp làm việc như một.


Bài viết được đăng trên báo Doanh Nhân Sài Gòn số 416 ra ngày 16/11/2016 với tựa đề “6 bước hợp nhất các nhóm chuyên gia đa ngành”.

Read next

Economy of Goodness partners with Consulus for Global Impact

Economy of Goodness partners with Consulus for Global Impact

Taipei - The Economy of Goodness Association is a non-profit organization inspired by the vision of Dr. Rey-Sheng Her, promoting a new way of doing business—one rooted in altruism, harmony, and shared prosperity. It envisions a society where human and environmental...