Phỏng vấn với Người sáng lập Tranh thêu XQ

Apr 8, 2015 | News & Updates, Tiếng Việt, Vietnam

Tranh thêu XQ đã đóng góp một sắc màu mới cho tranh thêu Việt Nam, góp phần làm nên một nét văn hóa đặc sắc: Một món quà đậm đà tình nghĩa quê hương cho những người Việt Nam và đồng thời là món quà lưu niệm đầy ý nghĩa đối với khách du lịch quốc tế khi có dịp đến Việt Nam tham quan du lịch. The Columnist có dịp trao đổi với Ông Võ Văn Quân, Sáng lập viên, Tổng giám đốc XQ về cách thức Tranh Thêu XQ đã và đang phát huy tinh hoa văn hóa Việt qua thương hiệu Tranh thêu XQ và giúp cho thế giới biết đến đất nước Việt Nam như thế nào.

The Columnist (TC): Ông có thể chia sẻ với độc giả của The Columnist về nguồn cảm hứng đã đưa đến quyết định thành lập nên Tranh thêu XQ?

Ông Võ Văn Quân (VVQ): Cái tên XQ vốn xuất phát từ tên viết tắt của hai vợ chồng tôi ghép lại. Tuy nhiên sau này cái tên XQ không phải chỉ đơn thuần mang ý nghĩa là tên ghép lại của hai vợ chồng tôi nữa mà nó mang ý nghĩa như một sự ủy thác của nghề thêu của người phụ nữ hay chính là những người mẹ Việt Nam bởi có người mẹ Việt Nam nào mà không may vá cho con. Mỗi mũi kim như một lời nguyện ước thành kính cho một nền hòa bình cho mỗi con người chúng ta. Bản thân tôi luôn tự hỏi rằng nghề thêu tay truyền thống này có phải là một di sản văn hóa hay không? Cá nhân tôi luôn cho rằng nó nhất định là một di sản.

Người phụ nữ Việt Nam làm nghề thêu từ xưa đến nay để làm kinh tế cho gia đình. Đó cũng chính là vai trò thứ nhất của họ.

Vai trò thứ hai của người mẹ chính là vai trò giáo dục cho con trẻ. Ông bà ta vẫn thường nói, “con hư tại mẹ”. Câu này không phải là không có lý vì thế giới quan của trẻ nhỏ ảnh hưởng lớn bởi người mẹ, giúp hình thành nên khả năng đương đầu với cuộc sống của người con khi lớn lên.

Vai trò thứ ba mà chúng ta cũng cần phải nhắc đến chính là vai trò gắn kết xã hội. Nếu trong nhà chỉ có người đàn ông thì sẽ không thể hình thành một gia đình ấm cúng. Những người mẹ, người chị, người em gái chính là nhân tố kết dính giữa các thành viên trong gia đình. Những bà hàng xóm, những người đi chợ cũng chính là chất kết dính của xã hội, từ đó sinh ra những câu ca dao, tục ngữ, dân ca, vv.

Vai trò thứ tư của người phụ nữ chính là làm hậu phương vững chắc, đặc biệt là trong các cuộc chiến tranh.

Vai trò thứ năm cũng quan trọng không kém, đó là vai trò duy trì nòi giống.

Năm vai trò này của người phụ nữ liệu có mang tính toàn cầu hay không? Có thể nhìn thấy những quốc gia lớn trên Thế giới đều nâng cao vai trò của người phụ nữ. Chính vì vai trò của họ quan trọng như vậy mà họ luôn được trân trọng và tôn vinh. Tuy nhiên ở Việt Nam, vai trò của người phụ nữ chưa được trân trọng một cách đúng đắn. Ví dụ như trong thời phong kiến, nghề thêu của người phụ nữ chỉ được coi như một nghề phục vụ cho vua chúa. Khi nhìn vào lịch sử, bộ trang phục của vua chúa thường được ca ngợi bởi sự vẻ đẹp và sự tinh tế của nó nhưng tuyệt nhiên vai trò của người phụ nữ làm nên những bộ trang phục ấy lại không hề được nhắc đến.

Chính vì vậy, mục đích của Tranh thêu XQ là khôi phục và tôn vinh hơn nữa vai trò của người phụ nữ và đồng thời kêu gọi mọi người trân trọng người phụ nữ hơn nữa, với hi vọng thế hệ mới sau này của đất nước chúng ta khi sinh ra và lớn lên sẽ thấy người đàn ông biết trân trọng người phụ nữ.

TC: Điều gì đã khiến Ông gắn bó với nghệ thuật thêu tay truyền thống?

VVQ: Tôi gắn bó với nghệ thuật thêu tay truyền thống này vì mẹ tôi đã nuôi tôi lớn bằng chính cái nghề này. Trong suốt quãng thời gian thơ ấu, tôi thấy mẹ mình thêu thùa và may vá. Và bằng tâm hồn nhạy cảm của mình, tôi đã cảm nhận được người phụ nữ giảng hòa với cuộc đời qua từng đường kim mũi chỉ, mỗi tác phẩm đều là một đứa con tinh thần của họ, gửi gắm những ước mơ và khát vọng của họ trong đó.

Nghệ nhân thêu ở XQ (Nguồn: Tranh thêu XQ)

Nghệ nhân thêu ở XQ (Nguồn: Tranh thêu XQ)

TC: Tranh thêu XQ đã làm những gì để góp phần bảo tồn và gìn giữ hình thức nghệ thuật tranh thêu tay truyền thống của Việt Nam?

VVQ: Phương châm của tôi rất đơn giản, xây dựng một đền đài để tôn vinh người phụ nữ làm nghề thêu chính là một cách thức để bảo tồn và gìn giữ loại hình nghệ thuật này. Một nhà thơ nếu tự tin vào khả năng thơ phú của mình thì mới có thể làm thơ hay. Chính vì vậy, cần phải trả lại sự tự tin cho người phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ theo nghề thêu. Để làm được điều đó, tôi không bao giờ gọi họ là thợ thêu. Thay vào đó, tôi gọi họ là những nghệ nhân. Gọi họ là thợ thêu sẽ tạo cho họ cảm giác mặc cảm, cảm giác đó chỉ là một nghề thấp bé. Trong xã hội Việt Nam, nghề thêu vốn không phải không phải là một nghề được coi trọng, thường chỉ là một nghề làm thêm, vậy nên không ai dám nhận mình làm nghề thêu. Tôi tự hào rằng những người phụ nữ làm nghề thêu ở XQ khi ra đường rất tự hào nhận mình là nghệ nhân làm nghề thêu tay.

Ngọc Khuê Đường (Nguồn: Tranh thêu XQ)

Ngọc Khuê Đường (Nguồn: Tranh thêu XQ)

Ngoài ra, chỗ ở của những nghệ nhân thêu tôi không gọi là chỗ ở của công nhân mà gọi là “Ngọc Khuê Đường”, chỉ nơi ở của những nàng công chúa. Gọi như vậy sẽ khiến họ cảm thấy duyên dáng, ý thức giữ gìn sự sạch sẽ và ngăn nắp hơn. Việc sử dụng những cái tên như vậy sẽ giúp lấy lại niềm tự hào đã bị tước đoạt đi rất lâu rồi của người phụ nữ, không thể sử dụng những khái niệm tên gọi từ thời phong kiến để áp đặt lên họ được nữa.

TC: Vậy không gian sáng tạo dành cho các nghệ nhân của Tranh thêu XQ được thiết kế như thế nào?

VVQ: XQ rất chú trọng không gian sáng tạo dành cho các nghệ nhân của mình. Có rất nhiều những chủ đề thiết kế không gian khác nhau, ví dụ như chủ đề “Hội chợ các loài côn trùng”, ở đó mỗi nghệ nhân sẽ đóng vai của một loài côn trùng và kể về cuộc đời của nó qua những đường kim sợi chỉ.

Những không gian đó được thiết kế để nuôi dưỡng chất thơ và sự lãng mạn của những nghệ nhân làm nghề thêu.

Không gian tại XQ (Nguồn: Tranh thêu XQ)

Không gian tại XQ (Nguồn: Tranh thêu XQ)

Với trên 3000 nghệ nhân thêu trên toàn quốc, chúng tôi đã xây dựng chương trình đào tạo riêng cho nghệ nhân của mình. Ngoài nội dung đào tạo về kĩ thuật thêu, chúng tôi chú trọng vào việc tạo dựng một không gian khiến cho các nghệ nhân nhạy cảm, đa sầu đa cảm và lãng mạn hơn mà chúng tôi gọi đó là “không gian ngu ngơ”, từ đó họ mới có thể sáng tạo được tốt nhất thay vì làm việc chỉ mang tính đối phó. Chúng tôi quan niệm rằng họ chỉ có thể làm tốt nhất công việc này khi họ yêu mến cái nghề thêu này.

TC: Các nghệ nhân của Tranh thêu XQ đã áp dụng những phương pháp gì để có thể bảo tồn những nét truyền thống đồng thời nhằm cho ra những sản phẩm đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu của khách hàng hiện nay?

VVQ: Tại XQ, các nghệ nhân pha trộn giữa các phương pháp thêu truyền thống và hiện đại để tạo ra những tác phẩm có giá trị toàn cầu. Ví dụ như nghệ thuật thêu chân dung, nghệ thuật thêu hai mặt, nghệ thuật điêu khắc bằng chỉ, vv. Qua bàn tay điêu luyện của mình, các nghệ nhân xây dựng lại những hình tượng truyền thống và góp phần bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Kỹ thuật thêu tay vốn dĩ không có quá nhiều sự cải tiến, mà nét hiện đại nhất ở đây chính là việc làm mới những giá trị của các tác phẩm thêu. Trong cuộc sống người ta thường chạy theo cái mới, nhưng cái mới của ngày hôm nay đến ngày mai đã trở thành cái cũ. Chính vì vậy, mục đích của các nghệ nhân là gắn làm mới cho những giá trị cũ.

TC: Đâu là những nét hiện đại trong những sản phẩm tranh thêu của XQ (về đề tài, chất liệu, màu sắc, cách thức thêu, cách trình bày, vv.)?

VVQ: Đề tài của những tác phẩm thêu của XQ rất rộng, bao gồm đề tài về con người với truyền thống, đề tài về con người với con người (ví dụ như các tác phẩm chân dung) và đề tài con người và môi trường sống thiên nhiên (ví dụ như các tác phẩm về các loài hoa, vv. ). Đó là ba chủ đề chính mà chúng tôi theo đuổi. Chất liệu sử dụng bao gồm chỉ và vải rất đa dạng.

TC: Tranh thêu XQ nổi tiếng với một nghi lễ rất đặc trưng có tên là “Nghi lễ rước sợi chỉ”, vậy Ông có thể chia sẻ với độc giả đôi nét về nghi lễ đặc biệt này?

VVQ: Nghi lễ này được diễn ra vào chiều thứ Bảy hàng tuần với sự tham gia của tất cả những nghệ nhân thêu ở Đà Lạt. Trong nghi lễ này, họ “rước sợi chỉ” về tới cổng Mặt trời và gửi gắm những niềm vui, nỗi buồn và cầu nguyện cho những mong ước của họ thành sự thật. Nghi lễ này giúp họ giãi bày những tâm tư tình cảm của mình, giải tỏa những băn khoăn của bản thân để từ đó có thể thư giãn và sáng tạo được.

10317732_664756043597746_3987322161472049318_o

Nghi lễ “Rước sợi chỉ” (Nguồn: Tranh thêu XQ)

TC: Tranh thêu XQ đã làm như thế nào để tiếp cận những đối tượng khách hàng là những khách quốc tế vốn xa lạ với loại hình nghệ thuật truyền thống này?

VVQ: Người nước ngoài sau khi đến với không gian của XQ đều có một cái nhìn rất khác về người phụ nữ Việt Nam. Có rất nhiều người đã đến mua tranh và học thêu tại XQ. Khi đó, họ đặt trên vai mình một trách nhiệm rất lớn, đó là góp phần tôn vinh vai trò của người phụ nữ Việt Nam nói riêng cũng như người phụ nữ trên toàn Thế giới nói chung.

Chúng tôi có thành lập một Hội Tri kỷ hữu với sự tham gia của rất nhiều những vị nguyên thủ nước ngoài và bạn bè quốc tế mến mộ nghề thêu tay truyền thống của Việt Nam và đồng lòng với mục tiêu nâng cao vị thế của người phụ nữ. Ngày 13 tháng 12 hàng năm là ngày mà tất cả các thành viên của Hội quy tụ lại với nhau.

Việt Nam chúng ta không chỉ tiêu thụ vật chất mà còn cá những giá trị văn hóa du nhập từ Phương Tây. Vì vậy, tôi luôn tự hỏi rằng có bao giờ Việt Nam có thể xuất khẩu những giá trị riêng biệt của mình ra với bạn bè quốc tế hay không? Việc thành lập Hội tri kỹ hữu chính là một bước tiến với mục đích xuất khẩu và quảng bá những giá trị văn hóa của Việt Nam ra ngoài nước.

TC: Không gian trưng bày tại các trung tâm của Tranh thêu XQ tại các tỉnh thành trên cả nước bao gồm, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt và TP HCM có những nét gì đặc biệt?

VVQ: Không gian trưng bày ở mỗi địa điểm đều có nét riêng biệt riêng, phản ánh nền văn hóa và câu chuyện của những người phụ nữ ở địa phương đó. Ví dụ như XQ Cố đô ở Huế có những câu chuyện kể về dòng sông Hương còn ở XQ Sử quán ở Đà Lạt sẽ mang hình ảnh về núi đồi. Phương châm của chúng tôi là địa phương hóa. Vì vậy, nghệ nhân thêu cũng đến từ chính địa phương đó.

TC: Để tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống một cách hiệu quả, lời khuyên của Ông dành cho những doanh nghiệp trong ngành thủ công truyền thống Việt Nam cũng như các làng nghề Việt Nam nói chung là gì?

VVQ: Tôi luôn quan niệm rằng, dù ở cương vị hay nghề nghiệp nào đều cần gắn liền công việc của mình với tình yêu Tổ quốc. Đôi lúc những người làm kinh doanh chỉ để tâm đến lợi nhuận, toan tính và mưu cầu cho bản thân nhưng không để tâm đến những nỗi đau của con người và sự quằn quại của đất nước. Những người làm việc như vậy thì trước sau gì cũng sẽ gặp thất bại. Nhất là đối với các doanh nghiệp trong ngành thủ công truyền thống của Việt Nam, nếu họ không thực sự có một khát khao mãnh liệt với những truyền thống của dân tộc mà chỉ chú trọng vào phát triển chiến lược kinh doanh, mở rộng thị trường thì họ chỉ có thể đi theo quỹ đạo của thị trường, thị trường lên thì họ đi lên, thị trường xuống họ sẽ bị kéo xuống theo. Chính vì vậy, một doanh nghiệp nên tạo cho mình một quỹ đạo riêng, một thị trường riêng thay vì chạy theo guồng quay đó. Đây cũng chính là sự khác nhau giữa “con buôn” và doanh nhân. Người doanh nhân là những người đem lại một giá trị cho xã hội, còn “con buôn” là những người chỉ chạy theo những giá trị vật chất cho bản thân. Chỉ khi các doanh nghiệp thực sự tâm huyết với những giá trị truyền thống của đất nước, mong muốn đóng góp cho đất nước và xã hội thì mới có thể phát triển bền vững.

Read next

Consulus, GSF band together to further impact through MusicCORE

Consulus, GSF band together to further impact through MusicCORE

SINGAPORE — Global creative change firm Consulus, in partnership with the Global Strings Federation (GSF), officially launched MusicCORE, an innovative program designed to elevate the value of music in business and society. The announcement was made during the Gala...

Free sample Smart 4.0 Vietnam

Complete the form below to download the sample report

Consulus Vietnam

You have Successfully Subscribed!