Ông Bùi Quốc Việt hiện là Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng – Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), kiêm Tổng biên tập Tạp chí Xã hội Thông tin. Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã có hơn 23 năm hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quản trị doanh nghiệp, trên 15 năm kinh nghiệm phân tích thông tin thị trường và truyền thông. VNPT là Tập đoàn Bưu chính viễn thông hàng đầu tại Việt Nam. VNPT là nhà cung cấp dịch vụ đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của ngành Bưu chính, Viễn thông Việt Nam, đồng thời, là tập đoàn có vai trò chủ chốt trong việc đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển Bưu chính Viễn thông nhanh nhất toàn cầu. Tờ báo The Columnist có dịp trao đổi với Ông Bùi Quốc Việt, phát ngôn viên của VNPT về những thành công của VNPT và những chiến lược của VNPT trong giai đoạn chuyển mình đầy thách thức.
The Columnist (TC): Là Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ Công chúng, đơn vị báo chí và công luận của VNPT, theo Ông, Trung tâm Thông tin và Quan hệ Công chúng đóng vai trò như thế nào trong việc gắn kết VNPT với khách hàng?
Bùi Quốc Việt (BQV): VNPT là nhà cung cấp hạ tầng mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông – công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, phục vụ gần 60 triệu thuê bao di động, hơn 10 triệu thuê bao điện thoại cố định và hàng chục triệu người sử dụng Internet. Với mạng lưới rộng và số lượng khách hàng lớn như vậy nên trong gần 30 năm qua, Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng (IPC) luôn giữ vai trò gắn kết VNPT với khách hàng và ngược lại.
Một mặt IPC đã thông qua các chiến dịch truyền thông, các phương tiên thông tin đại chúng và mạng xã hội để truyền tải đến khách hàng và cộng đồng thông điệp cốt lõi của VNPT, những thông tin cụ thể về các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích… Đồng thời, chúng tôi luôn chú trọng đến việc đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng dịch vụ, công tác chăm sóc khách hàng, thực hiện các công tác an sinh xã hội, khuyến học khuyến tài của đất nước… Mặt khác, để có thể gắn kết với hơn 40 triệu khách hàng thường xuyên, việc lắng nghe phản hồi của khách hàng đối với chúng tôi là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, IPC đã phối hợp chặt chẽ với bộ phận thu thập ý kiến khách hàng và thiết lập các trang web, các đường dây nóng kịp thời tư vấn cũng như giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng. IPC cũng đã chắt lọc và đề xuất, tham mưu cho Lãnh đạo VNPT kịp thời điều chỉnh, phát triển các sản phẩm mới để phục vụ khách hàng và cộng đồng ngày càng tốt hơn.
Sự nỗ lực của chúng tôi đã giúp nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu VNPT trong xã hội và hình ảnh một Tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước.
TC: Theo Ông, VNPT đóng vai trò như thế nào trong nền kinh tế Việt Nam và chuỗi giá trị toàn cầu? Sự phát triển của VNPT ảnh hưởng như thế nào đến tương lai của Việt Nam? Ông có thể chia sẻ những dự định của Ban lãnh đạo VNPT đối với định hướng phát triển của tập đoàn trong giai đoạn sắp tới?
BQV: Trong gần 70 năm, VNPT đã đặt nền móng và giữ vị trí nòng cốt trong sự phát triển của ngành bưu chính – viễn thông Việt Nam. Chúng tôi cũng luôn đi đầu trong đổi mới, đồng thời là doanh nghiệp thực hiện việc hội nhập sớm nhất. Có thể nói, VNPT đã giúp thay đổi hiện trạng đất nước, đem lại lợi ích cho nền kinh tế nhờ mở cửa viễn thông.
Trước đây VNPT là doanh nghiệp duy nhất cung cấp dịch vụ bưu chính – viễn thông. Hiện nay thị trường mở cửa và phát triển rất nhanh, dù không sở hữu thị phần lớn nhất, cơ sở hạ tầng viễn thông của VNPT vẫn là trụ cột để giúp các doanh nghiệp khác phát triển. Hạ tầng của VNPT chiếm 93% cơ sở hạ tầng của mạng điện thoại cố định; gần 60% hạ tầng mạng điện thoại di động quốc gia; gần 70% thị phần Internet và là đơn vị duy nhất sở hữu mạng thông tin vệ tinh (Vinasat 1,2) tại Việt Nam. VNPT tự hào với đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao, năng động, sáng tạo. Một vài năm trở lại đây, tốc độ phát triển của VNPT chậm lại do cơ chế hoạt động của tập đoàn nhà nước, do vậy VNPT đang bước vào giai đoạn tái cơ cấu toàn diện và quyết liệt, tập trung hoàn toàn cho lĩnh vực viễn thông – công nghệ thông tin. Với gần 60 triệu thuê bao di động ( chiếm 50% tổng số thuê bao di động) và hơn 3 triệu thuê bao băng rộng di động (chiếm 60% tổng số thuê bao băng rộng cố định), có thể khẳng định khách hàng vẫn luôn tín nhiệm và lựa chọn sử dụng dịch vụ của VNPT. Để đáp lại lòng tin ấy, chúng tôi sẽ nỗ lực trong việc giữ vững và phấn đấu để trở thành thương hiệu xuất sắc trong khu vực, trở thành 1 trong 10 doanh nghiệp ICT có tốc độ phát triển nhất.
Mục tiêu chiến lược phát triển cho những năm tiếp theo, VNPT sẽ từng bước chuyển đổi Tập đoàn thành một tổ chức kinh tế linh hoạt, năng động, chuyên biệt chuyên sâu lĩnh vực ICT góp phần thúc đẩy cải cách các hoạt động Hành chính công, cải thiện đời sống Kinh tế xã hội và ngươi dân, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và sự thay đổi của công nghệ, thị trường; khẳng định vai trò doanh nghiệp chủ lực của đất nước trong lĩnh vực viễn thông – công nghệ thông tin; tiếp tục xây dựng thương hiệu VNPT trở thành thương hiệu hàng đầu của quốc gia và phấn đấu trở thành một trong 10 doanh nghiệp ICT hàng đầu khu vực Châu Á.
TC: Phát biểu với các đơn vị báo chí, Ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT đã chia sẻ, VNPT phải tập trung vào tái cơ cấu. Vậy với VNPT, việc định hình một văn hoá doanh nghiệp mới có tầm quan trọng như thế nào trong thành công của cuộc chuyển mình đầy thách thức này của VNPT?
BQV: VNPT là doanh nghiệp có bề dày truyền thống gắn liền với lịch sử phát triển của ngành bưu chính – viễn thông, và với trách nhiệm và sứ mệnh của mình, chúng tôi rất tự hào với 10 chữ vàng thể hiện truyền thống và văn hóa của VNPT “trung thành – dũng cảm – tận tụy – sáng tạo – nghĩa tình”. Tại VNPT, các thế hệ đi trước của VNPT là những người làm gương và dẫn dắt thế hệ sau để thực hành 10 chữ vàng này. Hiện nay, trước những thách thức mới của cạnh tranh và hội nhập quốc tế, VNPT hiểu rằng văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng và chúng tôi đặt việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp hàng đầu, để mọi cán bộ công nhân viên phát huy cao độ để đoàn kết tái cấu trúc thành công. Văn hóa doanh nghiệp là tích lũy từ truyền thống tinh thần, không thể một sớm một chiều, do vậy, việc chúng tôi cần làm là khơi dậy để vượt qua khó khăn thử thách.
Trong giai đoạn tái cơ cấu, Tập đoàn đưa ra khẩu hiệu “chuyên biệt – khác biệt – hiệu quả” để hoàn thành tốt sứ mệnh hiện tại. Đó là cung cấp chuyên nghiệp các dịch vụ viễn thông – công nghệ thông tin – truyền thông cho khách hàng; chú trọng cải tiến và phát triển những sản phẩm, dịch vụ của mình, giữ vững niềm tin của khách hàng về một thương hiệu tin cậy, khác biệt và luôn hướng tới một cuộc sống hiện đại, tiện ích cho người tiêu dùng; luôn đề cao tính hiệu quả trong mọi hành động để phát triển bền vững, đồng thời luôn nỗ lực để giải quyết tốt, hài hòa mối quan hệ giữa hiệu quả kinh tế, sự hài lòng của khách hàng và lợi ích của người lao động.
Tập đoàn cũng có những cơ chế chính sách mới, như thay đổi đánh giá hiệu quả công việc, áp dụng công cụ hiện đại như điểm thẻ cân bằng, bồi dưỡng đào tạo cán bộ, xây dựng môi trường làm việc hiện đại, đào tạo cán bộ để đổi mới nhân viên trong cung cách phục vụ. Các phong trào như “Phong trào nụ cười VNPT” được khởi xướng để khuyến khích nhân viên thân thiện, cởi mở với khách hàng, xây dựng ý thức trách nhiệm. Hay các hoạt động sáng tạo trong cán bộ nhân viên để không ngừng giáo dục nhân viên. Tất cả các hoạt động này nằm trong một chuỗi để việc xây dựng văn hóa là thưc hành thay vì là hô hào, khẩu hiệu.
TC: Là một tập đoàn kinh tế hàng đầu tại Việt Nam cũng như đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển Ngành viễn thông Việt Nam, VNPT đòi hỏi những người thuyền trưởng tài ba để chèo lái con thuyền VNPT cũng như các công ty con và công ty liên kết. Vậy VNPT có lộ trình phát triển lãnh đạo như thế nào để không ngừng ươm mầm và phát triển những nhân tài đưa tập đoàn lên những tầm cao mới?
BQV: Ngay từ đầu, việc quy hoạch cán bộ nguồn và phát triển nhân tài luôn được VNPT chú trọng, đầu tư. Chúng tôi có Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là trường đại học đầu tiên và có uy tín nhất hiện nay trong lĩnh vực chuyên ngành Bưu chính Viễn thông – Công nghệ Thông tin; đồng thời thành lập các bộ phận liên quan đến chiến lược và phát triển nguồn nhân lực. Năm 2013, chúng tôi cũng đã hoàn thiện và ban hành Khung năng lực chung cán bộ – công nhân viên VNPT. Đối với vị trí lãnh đạo đứng đầu từ cấp tổ, đội trở lên chúng tôi đặt ra 9 yêu cầu cụ thể, trong đó có đòi hỏi phải: lãnh đạo theo mục tiêu, tầm nhìn và giá trị, có khả năng thúc đẩy sự thay đổi…
Tập đoàn VNPT sớm có chiến lược tuyển dụng, bồi dưỡng và sử dụng người tài, gắn sự tin tưởng và tạo cơ chế của Tập đoàn ở đội ngũ cán bộ chủ chốt với đòi hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cấp đơn vị. Chúng tôi xác định đây chính là những nhân tố quan trọng để kéo đoàn tàu doanh nghiệp chạy nhanh về đích.
TC: Ngành công nghiệp viễn thông là một ngành công nghiệp của dữ liệu và cần tới tính đổi mới và sáng tạo không ngừng, VNPT có kế hoạch xây dựng môi trường cởi mở và khuyến khích sáng tạo trong nội bộ tập đoàn như thế nào?
BQV: Không riêng gì ngành viễn thông mà lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông nói chung đều đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Công nghệ mới ra đời liên tục là áp lực buộc chúng tôi phải thay đổi và sáng tạo từng ngày. Đã từ lâu, VNPT coi sáng tạo là yếu tố sống còn tạo nên sự khác biệt của mình, do đó đây là lĩnh vực được Tập đoàn quan tâm đặc biệt. Ngay từ năm 2008, VNPT đã tổ chức chương trình “ Sáng tạo VNPT” trên phạm vi toàn toàn quốc. Chương trình này không chỉ đơn thuần là một phong trào mà là một nét văn hóa riêng của Tập đoàn, là hoạt động không thể thiếu trong mỗi đơn vị của VNPT, tạo nên tinh thần, động lực hăng say, tích cực của từng cá nhân, tập thể. Các cuộc thi sáng tạo được tổ chức tại tất cả các đơn vị thành viên. Qua các năm, số lượng các giải pháp không ngừng tăng lên, năm 2013 đã có gần 4.000 giải pháp được áp dụng trong toàn Tập đoàn, mang lại nguồn lợi hàng trăm tỷ đồng.
Sau 6 năm triển khai, chương trình đã phát huy được trí tuệ của toàn thể nhân viên trong Tập đoàn tham gia đề xuất các ý tưởng, giải pháp sáng tạo để giải quyết những nhiệm vụ then chốt của VNPT.
Để khuyến khích cán bộ lao động sáng tạo, ngoài việc trao các giải thưởng sáng tạo thường niên, chúng tôi cũng xem xét việc thường cho các cán bộ có sáng kiến mang lại nguồn lợi cho Tập đoàn theo tỉ lệ % của giá trị làm lợi mang lại, để khích lệ mọi cán bộ công nhân viên lao động một cách sáng tạo nhất.
Bên cạnh cuộc thi sáng tạo VNPT, chúng tôi còn tổ chức tôn vinh các cán bộ kinh doanh giỏi nhất theo từng tháng để tạo phong trào, khích lệ người lao động hăng say tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
TC: Thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam là một thị trường vô cùng tiềm năng, tuy nhiên, nhu cầu người dùng ngày càng thay đổi đặc biệt khi trào lưu công nghệ thế giới cũng thay đổi và người dùng Việt Nam ngày càng cởi mở với các trào lưu này. Vậy, VNPT cần làm gì để không ngừng gắn kết và hấp dẫn người dùng cũng như kiểm soát và chiếm lĩnh thị trường?
BQV: Đúng như bạn nói, trào lưu công nghệ thế giới đang thay đổi, kéo theo đó là nhưng thay đổi lớn về hành vi của người sử dụng mà điển hình cho các trào lưu này trong thời gian qua là trào lưu công nghệ OTT.
Các trào lưu công nghệ này đang là thách thức với các nhà khai thác viễn thông vì chúng cạnh tranh trực tiếp tới các dịch vụ mà chúng tôi đang cung cấp. Quan điểm của chúng tôi thách thức này là cơ hội, là động lực để chúng tôi sáng tạo hơn nữa, từ đó hấp dẫn người tiêu dùng bởi các dịch vụ mới mang tính đặc biệt cao.
Chúng tôi tiếp nhận các trao lưu này một cách cởi mở, không ngăn chặn, cấm đoán hay gây khó dễ mà sẽ tinh thần hợp tác, cùng phát triển để mục tiêu cuối cùng là cung cấp được những dịch vụ hấp dẫn nhất tới người tiêu dùng. Bất cứ một trào lưu hay dịch vụ mới nào được tung ra, chúng tôi đều xem xét dưới tỉnh thần hợp tác và coi đó là cơ hội để làm mới mình, sáng tạo và phát triển hơn nữa. Đó là cơ sở và cách để chúng tôi kiểm soát những gì mình đang có và khai phá các thị trường dịch vụ mới đầy tiềm nâng hiện nay.
Bài phỏng vấn được thực hiện cho The Columnist, tờ báo điện tử khu vực của Consulus xoay quanh các ý tưởng về kinh doanh, thiết kế và các vấn đề thế giới. Những quan điểm trong bài phỏng vấn thể hiện quan điểm riêng của khách mời, không phản ánh quan điểm của Consulus.
Ghi rõ nguồn “The Columnist” khi phát hành lại thông tin từ Website này.
Để cập nhật thông tin về các dự án và các kinh nghiệm hình thành thế giới tại Việt Nam và khu vực, xin mời truy cập trang web của công ty tại https://www.consulus.com/countries/vietnam/.