Trong thời đại hiện nay, “lợi nhuận” dường như đang trở thành một từ mang ý nghĩa xấu bởi nhiều doanh nghiệp bị xem là theo đuổi mức lợi nhuận cao hơn bằng cách bóc lột người lao động và gây tác động xấu đến xã hội. Rất nhiều người đổ tội cho lòng tham chính là nguyên căn của việc các công ty chạy theo lợi nhuận. Nhưng đây là một cái nhìn bị hạn chế bởi người ta đã bỏ qua một thực tại rằng thước đo cơ bản đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh chính là dựa trên khả năng tạo ra lợi nhuận cho phát triển bền vững. Phải thừa nhận là, lợi nhuận rất quan trọng và cần thiết. Nếu không có lợi nhuận, sẽ không có nguồn đầu tư nào để tạo ra công ăn việc làm cũng như tạo ra sáng tạo. Tuy nhiên, điều cần thay đổi ở đây, chính là cách thức thị trường đánh giá hình thức lợi nhuận mà những người lãnh đạo nắm giữ trọng trách dẫn dắt doanh nghiệp của họ tạo ra. Nếu như chúng ta không có cái nhìn sâu sắc và thay đổi toàn diện cách thức chúng ta sử dụng để đánh giá và tạo ra lợi nhuận, chúng ta chắc chắn sẽ không tránh khỏi sự lặp lại của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009, vốn được châm ngòi bởi nhu cầu tạo ra lợi nhuận cao hơn của thị trường.
Thay vì xem lợi nhuận là một mục tiêu, lợi nhuận phải được xem là kết quả từ tài lãnh đạo và sự hợp tác của cả đội nhóm. Bởi vậy, rõ ràng là thật thiếu sáng suốt nếu như chúng ta đơn thuần nhìn vào kết quả giảm sút lợi nhuận và coi đó là dấu hiệu của việc doanh nghiệp đang hoạt động yếu kém thay vì rà soát tất cả các yếu tố khác. Tuy nhiên, chỉ có một vài công ty đặc biệt trên thế giới đã từng thoát khỏi sự giận dữ của các nhà đầu tư và thay vì đó có được sự ủng hộ của họ ngay cả khi tỷ suất lợi nhuận đạt được rất thấp, đáng chú ý nhất trong số đó: Amazon. Jeff Bezos đã xoay sở để mở rộng dịch vụ của Amazon qua nhiều năm lợi nhuận thấp, nhưng Jeff Bezos đã rất khôn khéo “bán” tầm nhìn của ông về Amazon sẽ chiếm ngự thị trường thương mại điện tử cho các nhà đầu tư. Nhưng không nhiều lãnh đạo doanh nghiệp có thể đi theo cách thức Jeff Bezos đã làm, bởi vậy các CEO dễ dàng bị nản chí sau 1 năm giảm sút biên lợi nhuận. Điều này vô cùng đáng tiếc bởi trong thực tế, cần thời gian để định hình một tầm nhìn và cần thời gian để các lãnh đạo có thể gây dựng một đội nhóm vĩ đại. Đây chính là lí do tại sao Michael Dell đã quyết định rút Dell khỏi thị trường chứng khoán để ông có thể tái cấu trúc Dell một cách thầm lặng và dẫn dắt Dell vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng hành động của Michael cũng đã chứng minh một điều rằng: thị trường chứng khoán không còn đóng vai trò hỗ trợ cho một mô hình kinh doanh hiệu quả. Thị trường chứng khoán nay đã trở thành một nơi dành cho những dự thảo không thực tế và chính trong thời đại các công cụ đầu tư được hỗ trợ bởi công nghệ như hiện nay, thị trường chứng khoán đã tạo ra sự thèm khát những phần thưởng tài chính gần như tức thời, mà không phải là bền vững.
Có lẽ đã đến lúc tạo ra một loại hình thị trường chứng khoán mới có thể hỗ trợ mô hình kinh doanh hiệu quả và những giá trị bền vững.
Tới khi thời điểm đó thành hiện thực, có lẽ một điều rất quan trọng đó là chúng ta cần tái định nghĩa hình thức lợi nhuận chúng ta đang tìm kiếm khi đánh giá các doanh nghiệp. Hình thức mới này sẽ mở đường cho tăng trưởng và phát triển bền vững. Thông qua kinh nghiệm đồng hành trợ giúp các doanh nghiệp vươn lên hình thành thế giới, chúng tôi hiểu ra rằng khi các doanh nghiệp tạo ra 3 hình thức lợi nhuận sau đây, nghĩa là họ đang xây dựng những nền tảng bền vững cho chính mình và có sức mạnh để tái định dạng lại các ngành công nghiệp cũng như tương lai thế giới:
1. Hình thức thứ nhất: Lợi nhuận có tính chiến lược
Hình thức này có thể định nghĩa là lợi nhuận được tạo ra từ sự đầu tư con người và nguồn lực vào các ngành công nghiệp có khả năng thay đổi cuộc chơi toàn cầu. Trong khi rà soát hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, chúng tôi thấy rằng không phải tất cả các lợi nhuận đều bằng nhau và một điều rất quan trọng đó là cần phải nhìn nhận xem doanh nghiệp đang phát triển chiếc bánh lợi nhuận như thế nào xét về các cơ hội mới. Chúng tôi nhận thấy rằng các doanh nghiệp đơn thuần dựa vào một sản phẩm/dịch vụ truyền thống đem lại lợi nhuận cao và không có động lực tìm kiếm lợi nhuận từ những lĩnh vực mới, họ sẽ bị rơi vào trạng thái không chuẩn bị cho tương lai. Đây chính là bi kịch đã xảy ra với Nokia và Blackberry khi hai người khổng lồ này ở thời kỳ vàng son của chính mình không chuẩn bị trước cho sự thay đổi của thị trường cũng như trong nhu cầu của người tiêu dùng. Mỗi doanh nghiệp cần chú ý xem lợi nhuận của họ đến từ đâu và làm cách nào để thu hút nhân tài tốt nhất để nhận dạng những lĩnh vực tạo ra tăng trưởng và cần có nguyên tắc biến những sự đầu tư này thành những trung tâm tạo ra lợi nhuận.
Một thái cực khác đó là: một vài doanh nghiệp lại tỏ ra khá hài lòng rằng họ đã có những nguồn lực đầu tư vào những khía cạnh tăng trưởng mới này, tuy nhiên, vẫn chưa thể tạo ra lợi nhuận. Đây là một điều nguy hiểm bởi điều này gần như có ý nghĩa rằng doanh nghiệp này không hề đặt thứ tự ưu tiên trong các cấp độ quản trị cấp cao. Đây chính là xu hướng đang diễn ra ở Google, nếu như quảng cáo trực tuyến không còn hiệu quả, mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh chóng. Bởi vậy, con đường bền vững để đi lên phía trước đó là: luôn không ngừng tìm kiếm những con đường khác nhau để tăng trưởng lợi nhuận của bạn nhằm đảm bảo tương lai tốt hơn.
2. Hình thức thứ hai: Lợi nhuận về tinh thần
Đây có thể định nghĩa là khả năng tạo ra ý nghĩa và niềm tin mới nhằm tái định nghĩa lại những mục tiêu của thời đại. Có thể nói, mọi người tham gia vào kinh doanh để tạo ra lợi nhuận theo một hình thức nào đó, tuy nhiên, rất ít người có khả năng đúc rút hành động của họ thành một sự kêu gọi thay đổi trong lĩnh vực họ đang tham gia. Nhưng những cá nhân không ngừng theo đuổi điều này, cuối cùng đã trở thành những người dẫn dắt những ngành công nghiệp họ tham gia. Đây là điều đã diễn ra ở những công ty như Apple hay Amazon; họ đều coi những hành động của mình như một phần trong cuộc chiến vĩ đại hơn để tái định dạng lại những thị trường họ đang tham gia. Apple đã chiến thắng trong việc tái định nghĩa vai trò của chiếc máy tính cá nhân và Amazon đang chiến thắng thông qua việc tái định nghĩa lại khái niệm về vận chuyển hàng hóa và dịch vụ.
Chỉ cần theo dõi những tuyên bố, những bài phát biểu hay thuyết trình của các doanh nghiệp này trước công chúng, bạn có thể dễ dàng hình dung những lợi ích về mặt tinh thần mà các doanh nghiệp này đang tạo ra cho xã hội. Hãy chú ý khi họ chia sẻ những quan điểm hay kiến thức chuyên sâu của họ, bạn sẽ thấy họ hiểu rõ nhu cầu đang thay đổi từng giờ của thị trường và vai trò của họ trong việc đáp ứng những nhu cầu này như thế nào. Sau đó kết nối tất cả những điều này với sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp họ cung cấp, bạn sẽ thấy rõ những phản ánh về thay đổi trong hướng đi của họ. Cuối cùng hãy nhìn vào lực lượng nhân tài của họ đã phát triển như thế nào để đáp ứng được tầm nhìn được đặt ra bởi người lãnh đạo doanh nghiệp. Một khi tầm nhìn của tổ chức được gắn với các sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng và có khả năng thu hút những nhân tài phù hợp để tham gia vào mục đích họ đang chiến đấu, nó sẽ châm ngòi cho một làn sóng trong người tiêu dùng cũng như hiệu ứng ủng hộ bởi giới truyền thông vô cùng mạnh mẽ.
Cũng theo cách này, bạn có thể đo lường sự gia tăng trong giá trị về tinh thần doanh nghiệp mới nổi của Trung Quốc, Xiaomi đối với việc họ định nghĩa thị trường họ đang tham gia như thế nào. Lei Ju, CEO của Xiami không chỉ nhìn nhận sản phẩm của họ với thế mạnh về giá rẻ, mà anh ta nhìn nhận điện thoại của họ được thiết kế hoàn toàn xung quanh người sử dụng. Các kỹ sư của Xiaomi trực tiếp nói chuyện với người dùng, thu thập những phản hồi đế phát triển và sửa lỗi các phần mềm để cải thiện trải nghiệm người dùng. Là một doanh nghiệp nhỏ mới thành lập, với 3 năm ít ỏi trên thị trường và tầm nhìn cực kỳ rõ ràng và khả năng thu hút Hugo Barra từ Google, doanh nghiệp này hứa hẹn trở thành một doanh nghiệp sẽ chắc chắn tạo ra lợi nhuận kinh doanh lớn xét về khía cạnh “tinh thần”.
3. Hình thức thứ 3: Lợi nhuận xã hội
Đây có thể định nghĩa là khả năng tạo ra hệ sinh thái gồm những đối tác có thể thu lợi từ chính mô hình kinh doanh của bạn. Bill Gates đã đạt được điều này khi tạo ra nền tảng Windows và Steve Jobs khi tạo ra App Store. Rất ít doanh nghiệp có thể vươn lên trở thành những người dẫn đầu mà không tạo ra một làn sóng những đối tác và nhà cung cấp mới. Bạn có thể đo lường bao nhiêu lợi nhuận xã hội một doanh nghiệp đang tạo ra bằng cách rà soát xem mô hình kinh doanh của họ có cho phép họ tái định nghĩa mối quan hệ với các đối tác. Trong trường hợp của Apple, bên cạnh việc phát triển phần mềm, họ đã hợp tác với các nhà phát triển phần mềm lớn khác như Adobe hay Microsoft. Nhưng hơn thế nữa, App Store đã thay đổi mọi thứ khi cho phép các công ty và các cá nhân nhỏ lẻ tham gia và phát triển các ứng dụng di động cho iPhone và cuối cùng là iPad. Mô hình trực tiếp cho phép mọi người xem và mua các ứng dụng này thực sự đánh giá sự vươn lên của Apple. Bởi vậy, nó không phải đơn thuần vì Apple tạo ra sản phẩm tốt mà bởi khả năng vươn lên như một mạng lưới xã hội mới dành cho các đối tác thu lợi từ chính mô hình kinh doanh của họ. Một nghiên cứu bởi TechNet năm 2012 đã kết luận rằng Apple’s App store đã tạo ra gần 466,000 công việc cho nước Mỹ. Con số này bao hàm tất các nhân viên của các công ty chuyên phát triển ứng dụng như Zynga và các vị trí liên quan đến phát triển phần mềm ở các tập đoàn phần mềm lớn trên thế giới.
Ở một khía cạnh rộng hơn, việc tạo ra lợi ích xét về thị phần không phải là điều quan trọng mà việc tạo ra hình thức lợi nhuận cuối cùng sẽ tạo ra sáng tạo tốt hơn cho một xã hội tốt đẹp hơn và tạo ra cơ hội cho mọi người thành công, sẽ giúp củng cố sự trường tồn cho tổ chức của bạn. 3 hình thức lợi nhuận này, khi được coi là một bộ công cụ đo lường tổng thể hơn xét về đánh giá các doanh nghiệp, sẽ tạo ra sự tăng trưởng bền vững hơn.
Ông Lawrence Chong, CEO Consulus, tập đoàn tư vấn đổi mới tổ chức có trụ sở chính ở Singapore và đã tham gia tư vấn các tập đoàn sở hữu gia đình ở trên 18 thành phố lớn tại Châu Á. Lawrence Chong là cố vấn chiến lược của Hội đồng doanh nhân và gia đình Việt Nam. Ông vừa trình bày tham luận tại Tọa đàm “Vai trò Vai trò gia đình doanh nhân Việt Nam trong phát triển kinh tế và Hội nhập” tổ chức bởi Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp, VCCI và Hội đồng doanh nhân và gia đình Việt Nam.
Bài viết được đăng trên Doanh Nhân Sài Gòn Online.
Để cập nhật thông tin về các dự án và các kinh nghiệm hình thành thế giới tại Việt Nam và khu vực, xin mời truy cập trang web của công ty tại https://www.consulus.com/countries/vietnam/.