Cách đây không lâu, xì-căng-đan gây xôn xao dư luận xoay quanh chương trình theo dõi và thu thập dữ liệu công dân mang tên PRISM của chính phủ Mỹ được bắt đầu từ năm 2007 đã hé lộ một thực tế đáng kinh ngạc. Sự việc này cho thấy khi xét đến công nghệ về dữ liệu và thông tin, các doanh nghiệp Châu Á đang bị tụt hậu như thế nào. Lý do cơ bản lý giải tại sao chính phủ Mỹ lại có thể có được sự bao quát toàn bộ và xuyên thấu như vậy là do hầu hết các dữ liệu của thế giới đều được ghi lại, phân tích và lưu trữ bởi các doanh nghiệp Mỹ. Từ sự tiên tiến trong công cụ tìm kiếm, lưu trữ cho tới mối quan hệ giữa các dữ liệu theo từng văn cảnh, nước Mỹ đang đi trước Châu Á chúng ta rất nhiều trong mặt trận này.
Sự bùng nổ của sức mạnh dữ liệu đã thực sự thay đổi cách thức mỗi cá nhân tương tác, cách thức chúng ta vận hành các doanh nghiệp cũng như các nguyên tắc chính trị toàn cầu. Dữ liệu chính là nguồn “dầu mỏ mới” của thế kỷ 21 và thực sự đã tạo ra những người khổng lồ toàn cầu trong khi đồng thời hủy diệt rất nhiều người khác. Bởi vậy, việc này quá quan trọng tới mức chúng ta không thể nhượng bộ để sự phát triển của ngành công nghiệp này rơi vào tay người phương Tây. Cũng tương tự như sự khám phá thế giới trong thế kỷ 15, khi các đế chế phương Tây đã đứng lên dẫn dắt và thiết lập những nền tảng thương mại từ đó chinh phục cả nhân loại, một điều tương tự sẽ xảy ra nếu như các doanh nghiệp Châu Á không dám nghĩ, dám làm, hoặc tìm kiếm cách thức để phát triển những công nghệ nhằm tạo ra những nền tảng để nắm giữ tương lai thế giới mới cho chính mình.
Một sự thật đáng báo động đó là, rất nhiều ông chủ Châu Á dường như đã hài lòng với việc chi tiền cho những nền tảng dữ liệu sẵn có như Oracle, Google và Facebook để vận hành và quảng bá doanh nghiệp. Rất nhiều những buổi hội thảo, tọa đàm ở Châu Á tập trung vào chào bán những lợi ích mà những nền tảng này đem lại và rất nhiều những nhà tư vấn Châu Á muốn trở thành những người mua nhượng quyền của những sản phẩm này thay vì tự phát triển những sản phẩm của riêng mình. Đơn giản hãy nhìn vào sức mạnh của Android và bạn sẽ thấy nền tảng kiên cố này đang là hệ thống vận hành của tất cả những thiết bị công nghệ cầm tay được sản xuất bởi các thương hiệu Châu Á. Bởi những sản phẩm này vẫn đem lại lợi nhuận, những doanh nghiệp Châu Á đang bằng lòng gặm nhấm những lợi nhuận nhỏ nhoi sót lại. Nhưng điều đáng tiếc là nguồn lợi nhuận thực sự lại nằm trong tay những người bạn phương Tây và ngoài tầm với của hầu hết những doanh nghiệp Châu Á.
Trong quá trình đồng hành hỗ trợ các thương hiệu Châu Á vươn lên những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị, chúng tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và giúp đỡ họ xây dựng năng lực nội bộ để hiểu rõ dữ liệu, để phân tích và tận dụng những dữ liệu này. Chúng tôi gọi đây là quy trình “xây đập để giữ dữ liệu” nhằm củng cố lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Một khi họ biết làm cách nào để lưu trữ dữ liệu và tận dụng những dữ liệu này cho công việc kinh doanh, điều này đồng nghĩa, họ đã đặt 1 cánh tay vào nắm giữ tương lai của doanh nghiệp mình. Đây thực sự không phải một điều dễ dàng bởi các ông chủ Châu Á thường thích những con đường ngắn. Tuy nhiên, ngược lại, khi doanh nghiệp dành nhiều thời gian và tâm huyết để hiểu rõ bản chất sâu xa trong công việc họ đang làm, lợi nhuận họ thu về lại lớn hơn nhiều chi phí phải bỏ ra. Tuy nhiên, những sự hiểu lầm vẫn cứ đeo đẳng các doanh nghiệp và dưới đây là 3 hiểu lầm phổ biến:
Hiểu lầm thứ nhất – Châu Á không có kỹ năng làm về dữ liệu
Lãnh đạo các doanh nghiệp Châu Á thường có xu hướng nghĩ rằng việc phân tích dữ liệu rất khó và các doanh nghiệp Châu Á không có đủ kỹ năng để làm việc đó. Điều này không đúng, bởi việc phân tích dữ liệu có những nguyên lý cốt lõi sẵn có, chỉ là cách thức và quy trình phân tích đã thay đổi. Với công nghệ tiên tiến, hiện nay các doanh nghiệp có thể phân tích và lưu trữ dữ liệu theo những cách tiết kiệm chi phí. Điều thực sự cần thiết ở đây chính là sự thay đổi trong cách thức tiếp cận đối với dữ liệu. Thay vì cứng nhắc với ý tưởng cố định và chỉ tập trung vào dữ liệu nào liên quan tới mục đích đang tìm kiếm, các doanh nghiệp hiện nay cần phải có một cách thức tiếp cận mở và rà soát toàn bộ dữ liệu sẵn có. Điều này cũng đòi hỏi thời gian và sự thống nhất. Do vậy phân tích dữ liệu không phải chỉ cần kỹ năng đúng, mà hơn thế, cần sự thay đổi trong cách thức tiếp cận chiến lược để có thể tạo ra lợi nhuận từ dữ liệu.
Xét về phương diện kỹ năng, có thể nói các quốc gia Châu Á đã là những người dẫn đầu trong lĩnh vực gia công, công việc luôn đòi hỏi phải giải quyết với lượng dữ liệu khổng lồ. Dù một vài quốc gia Đông Âu và Bắc Âu đã thể hiện sức mạnh đối với việc phát triển các ứng dụng phần mềm, tính kinh tế theo quy mô và nguồn nhân lực của các quốc gia như Ấn Độ lại tạo cho họ những lợi thế nhất định trong mặt trận này. Tại Sri Lanka, các doanh nghiệp như Millennium Information Technologies, Virtusa, hSenid đã chứng minh được năng lực của mình trong ngành công nghiệp bùng nổ nhanh chóng này. Bởi vậy chúng ta đang rất cần một sự “chuyển dịch” trong tư duy để các doanh nghiệp Châu Á có thể vươn lên trong chuỗi giá trị và phát triển những giải pháp hàng đầu để sánh ngang với sản phẩm của những người khổng lồ Phương Tây như Oracle, Microsoft, v.v.
Hiểu lầm thứ 2 – Việc phân tích dữ liệu rất đắt đỏ
Nhiều người nghĩ rằng việc thu thập và phân tích dữ liệu quá đắt đỏ và phải thừa nhận đó là 1 thực tế. Tuy nhiên, việc phân tích dữ liệu trở nên quá đắt đỏ là do rất nhiều doanh nghiệp đã bỏ lỡ những cơ hội doanh thu vì không chú ý đến và tận dụng những dữ liệu vốn sẵn có ngay trong chính nội bộ doanh nghiệp mình. Bởi vậy, việc nghiên cứu này không phải đắt đỏ do chi phí lắp đặt (set-up) mà phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có đang bằng lòng với việc ngày càng mất đi nhiều doanh thu do thiếu một chiến lược quản trị những dữ liệu sẵn có trong chính tổ chức. Thực chất mỗi ngày, các doanh nghiệp đang tích trữ dữ liệu từ nhiều kênh khác nhau. Lượng dữ liệu đó ngày càng nhiều lên, và dần dần trở thành một “khu rừng hoang”, khiến cho việc xâm nhập và phân tích trở nên đắt đỏ và tưởng chừng không thể. Bởi vậy, càng bắt đầu thu thập dữ liệu và phân loại những nguồn dữ liệu này có ý nghĩa như thế nào với công ty càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, những hệ điều hành với mã nguồn mở như Linux đã khiến cho việc tạo ra ứng dụng đúng trở nên dễ dàng hơn cho bất kỳ ai có kỹ năng. Ngày nay, sự toàn cầu hóa và tính nhân rộng của hạ tầng đã làm cho chi phí của việc lưu trữ dữ liệu và đào sâu phân tích dữ liệu càng trở nên hợp lý và thuộc tầm khả năng tài chính của các doanh nghiệp.
Hiểu lầm thứ 3 – Chỉ cần thi thoảng kiểm tra dữ liệu là đủ
Với các công cụ đa nền tảng như màn hình máy tính, điện thoại di động và máy tính bảng, việc khách hàng tiếp cận với thương hiệu hoạt động 24/7 là một điều rất phổ biến. Thực tế này khiến cho việc thi thoảng doanh nghiệp kiểm tra dữ liệu thông qua nghiên cứu thị trường như trong quá khứ trở nên dư thừa và vô dụng. Chúng ta từng làm như vậy bởi phương tiện trước kia không cho phép, nhưng thời đại đang thay đổi. Bởi vậy mỗi công ty cần đầu tư vào xây dựng những đội nhóm trong nội bộ doanh nghiệp để hiểu rõ và phân biệt những tác động và giá trị của dữ liệu đối với công việc kinh doanh của họ thường xuyên hơn. Đây không còn là thời đại của thuê ngoài, mà là thời đại của xây dựng những đội ngũ vận hành bên trong.
Khi các doanh nghiệp Châu Á hướng tới xây dựng những thương hiệu toàn cầu, họ cũng phải có những cơ sở hạ tầng và nhân tài hàng đầu, đủ năng lực để hiểu rõ bối cảnh cũng như sự tiến hóa của mô hình kinh doanh của họ thông qua dữ liệu. Hãy coi dữ liệu như những thông tin tài chính. Thực tế, chúng tôi ủng hộ việc mỗi doanh nghiệp tổng kết và đưa ra một bản báo cáo dữ liệu thường niên, cũng như thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận sáng tạo cởi mở để liên tục phân tích xem mô hình kinh doanh của mình đang phát triển đến đâu. Trong quá trình chúng tôi đồng hành giúp đỡ các doanh nghiệp Châu Á “xây đập để giữ dữ liệu”, chúng tôi rút ra 3 bước quan trọng sau đây để mỗi doanh nghiệp cần chuẩn bị để hình thành tương lai của chính mình:
Bước 1: Hướng dòng chảy của tất cả nhánh sông về con đập
Điều quan trọng nhất để bắt đầu, chính là, nhận ra rằng chính doanh nghiệp của bạn đang tập hợp và thu thập dữ liệu mỗi ngày. Vấn đề ở đây là, những dữ liệu này không được thu thập để tập trung về một trung tâm chính cho một đội ngũ nhân viên tìm hiểu và phân tích. Bởi vậy chúng tôi hướng dẫn các doanh nghiệp thiết lập một phòng ban riêng có quyền truy cập và sử dụng tất cả những nguồn dữ liệu khác nhau. Những nguồn dữ liệu này có thể là dữ liệu về dịch vụ, lượng hàng tiêu thụ, các điểm phân phối, sử dụng sản phẩm, v.v. Một giám đốc cấp cao của doanh nghiệp cần được chỉ định để giám sát toàn bộ tiến độ của công việc phân tích này. Việc này cũng đòi hỏi sự cố gắng liên tục và một mô hình khung với những giả thuyết ban đầu cần được thiết lập nhằm liên tục tìm kiếm những mô hình mẫu và sự tiến bộ của công việc nghiên cứu này. Với tất cả những doanh nghiệp đã thực hiện việc này, hầu hết trong số họ đều kinh ngạc với những gì họ có thể khám phá. Điều kỳ diệu là, việc này không đòi hỏi thu thập bất kỳ dữ liệu nào mới, chỉ cần tận dụng những dữ liệu sẵn có là đủ và ngay chính kho dữ liệu này đã là nguồn cung rất lớn để đưa ra những phân tích chuyên sâu mới.
Bước 2: Xây dựng đội ngũ những chiến binh dữ liệu
Trật tự thế giới mới đòi hỏi các phòng ban khác nhau cần làm việc và hợp tác với nhau chặt chẽ hơn để tạo thành một đội ngũ tích hợp. Chúng tôi cũng đã phát hiện ra trong mỗi doanh nghiệp, một điều đặc biệt quan trọng là tạo ra đội “Chiến binh dữ liệu”, một thuật ngữ chúng tôi sử dụng để mô tả một nhóm người, được tập hợp từ những phòng ban chuyên môn khác nhau. Điều này cho phép chúng tôi có được quan điểm đa chiều (360 độ) đối với việc dữ liệu có thể có những ý nghĩa như thế nào. Chẳng hạn, phân tích dữ liệu từ quan điểm mang tính văn hóa, xu hướng trong dữ liệu cho chúng ta biết sự thay đổi trong thói quen xã hội của người tiêu dùng ám chỉ sự ưa chuộng và sở thích của họ tiếp nhận những điều mới mà thương hiệu đem lại. Trong khi đó từ quan điểm của một kỹ sư về quy trình, từ chính dữ liệu giống hệt, người này có thể phân biệt và nhận ra một nhu cầu cải thiện hiệu quả vận hành cho doanh nghiệp. Xét cho cùng, bạn cần những nhân lực đa dạng để biến những dữ liệu đó trở thành ý nghĩa thực tế. Nếu chỉ có thông tin đơn thuần sẽ không thể đưa ra bất kỳ câu trả lời nào. Nhưng việc doanh nghiệp dành riêng 1 đội ngũ nhân sự chuyên sâu và có chuyên môn khác nhau, sẽ tạo ra một cái nhìn mang tính tổnq quát và tạo điều kiện khuyến khích những giải pháp mới và những ý tưởng có thể có tác động lớn mang tính đột phá đối với công việc kinh doanh của doanh nghiệp.
Bước 3: Hướng tới mục tiêu nhỏ và không quá lớn để đạt được kết quả tốt hơn
Khi bạn mới bắt đầu giai đoạn khám phá sơ khai, điều quan trọng là không nên bắt đầu với những dự án quá lớn. Lý do là những thí nghiệm nhỏ hơn sẽ giúp tiết kiệm chi phí khi doanh nghiệp có thể nhận định phản ứng của người dùng nhanh hơn và thay đổi kịp thời hơn. Vấn đề thứ 2 là những dự án quy mô lớn thường tốn rất nhiều thời gian và chủ yếu dựa vào quá nhiều giả thuyết. Trong khi đó, khi một dự án được xây dựng dựa trên dữ liệu, sẽ chính xác hơn nếu chúng ta theo dõi những phản ứng của người dùng. Chúng tôi đã khuyên các khách hàng thử nghiệm với những sản phẩm và giải pháp nhỏ và sau đó đo lường phản ứng và thay đổi, từ đó, mở rộng trong giai đoạn tiếp theo. Những sản phẩm, giải pháp có thể chưa được hoàn hảo vào thời điểm bắt đầu, nhưng thông qua sự tương tác và phản ứng của người dùng, bạn có thể có được sự đo lường chính xác hơn đối với khả năng thành công của ý tưởng mình đang thực hiện. Điều này thực sự giúp doanh nghiệp tiết kiệm tiền bạc và chi phí thay vì dành thời gian tranh cãi về những giả thuyết trong những phòng họp.
Cuối cùng, ngành công nghiệp dữ liệu cũng sẽ phát triển và lớn mạnh như ngành ngân hàng, viễn thông – vốn là những ngành đang được vận hành nhờ dữ liệu. Do vậy, từ bây giờ cho đến giai đoạn đó, một nhu cầu cấp thiết đặt ra đòi hỏi các doanh nghiệp tư nhân Châu Á dám nghĩ, dám làm, đưa ra những giải pháp có khả năng cạnh tranh với sản phẩm của các đối thủ Phương Tây, từ đó, tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho tất cả các doanh nghiệp. Nếu như chúng ta tiếp tục xây dựng tương lai của mình dựa trên phần ngọn của những nền tảng do Phương Tây tạo ra, một ngày nào đó khi chúng ta không hài lòng với vị trí mà những nền tảng Phương Tây đặt chúng ta vào, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta không hề có một công nghệ riêng biệt hay tính kinh tế theo quy mô có thể tạo ra những giải pháp có khả năng thay thế. Bởi vậy, ngay từ bây giờ khi ngành công nghiệp chưa được định hình sẽ phát triển như thế nào, Châu Á chúng ta cần đứng lên và nắm giữ cơ hội duy nhất này!
Ông Lawrence Chong, CEO Consulus, tập đoàn tư vấn đổi mới tổ chức có trụ sở chính ở Singapore và đã tham gia tư vấn các tập đoàn sở hữu gia đình ở trên 18 thành phố lớn tại Châu Á. Lawrence Chong là cố vấn chiến lược của Hội đồng doanh nhân và gia đình Việt Nam. Ông vừa trình bày tham luận tại Tọa đàm “Vai trò Vai trò gia đình doanh nhân Việt Nam trong phát triển kinh tế và Hội nhập” tổ chức bởi Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp, VCCI và Hội đồng doanh nhân và gia đình Việt Nam.
Để cập nhật thông tin về các dự án và các kinh nghiệm hình thành thế giới tại Việt Nam và khu vực, xin mời truy cập trang web của công ty tại www.consulus.com/countries/vietnam.