Được tổng hợp từ các phiên Hỏi & Đáp xoay trục COVID-19
Hỏi: Làm lãnh đạo vốn đã cô đơn, luôn phải là người truyền cảm hứng cho đội nhóm, nhưng tôi cũng có nhiều lúc yếu đuối, tôi phải làm thế nào?
Đáp: Làm lãnh đạo, nếu chúng ta để mình cô đơn ắt sẽ có lúc yếu đuối. Những lúc đó chúng ta thường che đậy cảm xúc của mình vì sợ tác động xấu đến cấp dưới và nhân viên. Nhưng càng cất vào trong thì những cảm xúc đó càng khiến chúng ta stress hơn. Chúng ta nghĩ mình cô đơn vì những cảm xúc đó không biết đổ vào đâu cả.
Trong cuộc khủng hoảng do Cô vít, nhiều khó khăn ập đến trong kinh doanh cùng lúc, từ việc vận hành công ty đến duy trì bộ máy nhân sự đều gặp những thách thức vô cùng lớn. Khiến những người lãnh đạo chúng ta chao đảo như gặp con sóng bất thường vậy. Để đứng vững được trong bối cảnh này không thể tránh khỏi những loay hoay, trăn trở, tìm kiếm lối thoát, ứng phó tức thì, xử lý tình huống nhanh gọn, ra quyết định sắc bén. Thật không dễ và không tránh khỏi có đôi lúc cảm thấy yếu đuối phải không?
Để luôn là người lãnh đạo vững vàng, không rơi vào cảm giác đuối chúng ta cần làm gì nhỉ?
Đầu tiên cần Đổi chiều tư duy: Không phải làm lãnh đạo vốn cô đơn, mà là CHỌN lãnh đạo theo phong cách không bao giờ cô đơn.
Cách thứ nhất: Xem lại mục đích ban đầu của mình. Bởi sự thẩm thấu mục đích đó khiến mình trở nên đam mê, toả ra năng lượng đam mê để hút sự đồng lòng của nhân viên. Những lúc tinh thần mình đang theo chiều đi xuống của hình sin thì xem lại mục đích ấy để chủ động thêm củi đốt cho nó trở nên cháy bỏng, hơi nóng năng lượng ấy lại toả ra với cường độ mạnh và lại tiếp tục tràn ra tới nhân viên của mình.
Cách thứ hai: Theo phong cách quản trị “Đặt mục tiêu của tổ chức gọn vào trong mục tiêu của nhân viên”, nghe có vẻ hơi ngược nhỉ, nhưng khi mục tiêu của tổ chức nằm trong mục tiêu của nhân viên thì người nhân viên bao giờ cũng gắng sức đạt mục tiêu của mình, khi đó đương nhiên mục tiêu của tổ chức đạt được trong phần công việc của người nhân viên ấy. Phong cách quản trị này khá phổ biến ở các doanh nghiệp ở Mỹ và là điều lãnh đạo chúng ta có thể học được.
Còn có một cách nữa là nhận cảm hứng được truyền ngược từ nhân viên. Đó là theo cách quản trị “vòng tròn an toàn” của Simon Sinek. Phương pháp này thường thấy trong các cuộc chiến thời Hy Lạp. Giữa mưa tên làn đạn cả lính và tướng đều được an toàn. Đó là người lãnh đạo luôn che chắn, bảo vệ cho nhân viên bằng văn hoá lãnh đạo không áp đặt. Và cũng ở đó nhân viên gắn kết thành đội ngũ để che chắn và bảo vệ cho lãnh đạo của họ. Họ sẵn sàng đối mặt với khó khăn, chấp nhận nguy hiểm trong công việc để đạt mục tiêu. Đó chính là sự đồng cảm từ hai phía. Sự đồng cảm tạo ra sự đồng lòng. Đó là phong cách quản trị lấy con người làm gốc, trao quyền cho mỗi cá nhân để họ chủ động đưa ra quyết định. Với phong cách quản trị này sẽ không có nhân viên thụ động nghe lệnh. Người lãnh đạo sẽ không phải một mình đưa ra những quyết định khó khăn trong cơn khủng hoảng. Những năng lượng này tràn ngược lại khiến người lãnh đạo cảm thấy thế đứng của mình vững vàng, không cô độc, cùng đội ngũ của mình vượt khó tiến về phía trước.
Với những gợi ý trên, Consulus chúng tôi hy vọng những lãnh đạo doanh nghiệp của chúng ta không bao giờ cô đơn, không bạc tóc và không phải vò đầu bứt tai khi chạy xuyên qua cuộc khủng hoảng Cô vít bất thường này. Nắm bắt cơ hội mới trong nguy cơ là điều chúng tôi muốn chúc các bạn!
Hỏi: Làm thế nào để có được sự bình tĩnh để không làm tổn thương các mối quan hệ gia đình (mẹ chồng – nàng dâu, vợ-chồng, bố mẹ-con cái)?
Đáp: Câu hỏi này có nghĩa là trong thời kỳ Cô vít hoành hành bạn đã rất bất an, không giữ được bình tĩnh và đã từng có những ứng xử làm tổn thương người thân trong gia đình phải không?
Hiện nay, bạn và tôi, chúng ta đều sống trong đại dịch, mỗi chúng ta đều gặp vấn đề từ Virut Corona, và tôi cũng tin rằng mỗi chúng ta đều có giải pháp.
Bạn đang chạy business của mình, bình thường đã rất nhiều nỗi lo rồi, giờ đây gặp đại dịch, mọi thứ như chựng lại, nỗi lo càng chồng chất. Tiền không về nữa, lương vẫn phải trả, mọi thứ phải chi không dừng lại. Thiếu việc làm, nhân viên xuống tinh thần, người giỏi rời xa, hạ tầng kinh doanh không bắt kịp với thay đổi của thời cuộc…. Tất cả những điều đó khiến bạn mất bình tĩnh là có thể hiểu được. Những người thân trong gia đình bạn cũng tương tự, mỗi người có những nỗi lo riêng ở những mức độ khác nhau. Ai cũng chứa chất những căng thẳng như vậy nên chỉ cần hơi chạm vào nhau bằng lời nói hay hành vi nho nhỏ thì ai cũng có thể trút sang nhau. Càng với những mối quan hệ an toàn, chúng ta càng có xu hướng trút ra những rác đọng trong lòng mình và làm tổn thương lẫn nhau trong gia đình.
Để có thể bình tĩnh hơn, thứ nhất bạn hãy dành thời gian để có những hoạt động thể chất mỗi ngày. Không phải tự nhiên mà trong lúc này trên các phương tiện thông tin đại chúng lại nhiều chương trình khuyến khích chúng ta tập tành tại nhà. Hoạt động thể chất đủ để ra mồ hôi mỗi ngày sẽ khiến những cảm xúc tiêu cực trong bạn dễ tiêu tan hoặc cũng giảm đi đáng kể để bạn không dễ bộc lộ sự giận giữ. Việc đổ mồ hôi của hoạt động thể chất khiến não sản sinh nhiều đô pa min giúp bạn suy nghĩ thông minh sáng suốt hơn cho việc tạo ra những giải pháp của riêng mình.
Thứ hai, bạn hãy đối diện trực tiếp với nỗi sợ bên trong bạn, đó là sợ kinh doanh có thể tan vỡ hoặc xuống dốc quá đà, sợ sự bất lực của chính mình trong việc vực dậy doanh nghiệp. Khi đối diện trực tiếp, bạn sẽ thấy cảm giác như mọi khi, có khó khăn thì cũng có giải pháp. Bạn sẽ thấy mình bình tĩnh hơn để từng bước giải quyết vấn đề của mình. Những suy nghĩ sâu sắc và cụ thể về giải quyết vấn đề xuất hiện, và lúc đó bạn sẽ không có xu hướng dễ cáu giận để làm tổn thương người thân của mình nữa. Hãy tin vào chính mình trước tình huống này.
Hỏi: Nhân viên của tôi đang bắt đầu mất niềm tin vào công việc kinh doanh của tôi. Tôi nên làm gì?
Đáp: Bước 1: Xác định lại niềm tin vào chính doanh nghiệp của mình: Hãy tự hỏi bản thân câu hỏi sau: tại sao mình tham gia công việc kinh doanh này? tại sao mình chọn công việc kinh doanh này mà không chọn công việc kinh doanh khác? nếu doanh nghiệp của mình biến mất thì có ai khóc thương không? nếu có thì họ sẽ khóc vì điều gì, giá trị gì? liệu giá trị này có đủ lớn để anh/chị theo đuổi không? liệu giá trị này có xứng đáng để anh/chị vượt qua mọi khó khăn không?
Bước 2: Tập trung vào việc truyền sứ mệnh: Lặp đi lặp lại nhiều lần theo nhiều cách khác nhau, truyền thông về sứ mệnh, đến khi nhân viên ngấm và ngỡ như sứ mệnh của chính họ vậy. Thì niềm tin vào công việc của họ tăng lên. Đặc biệt là họ lại lan truyền lẫn nhau trong doanh nghiệp nữa.
Bước 3: Lên mục tiêu và kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu, trao quyền cho nhân viên để họ cùng tham gia tạo ra kết quả, đóng góp ý tưởng, sáng kiến cải tiến để đạt mục tiêu