Chiếc thuyền lướt trên mặt hồ Inle (Myanmar) chở chúng tôi qua những vùng nước mênh mông để đến với những địa điểm khác nhau được bao bọc xung quanh bởi đồi núi trập trùng. Tiếng động cơ diesel của thuyền vẫn chạy ro ro. Chúng tôi đã đến Inle được vài ngày để thực hiện dự án nghiên cứu kéo dài 3 tháng cho một khách hàng hoạt động trong lĩnh vực du lịch khách sạn tại Myanmar. Cũng giống như những địa điểm mà chúng tôi đã đặt chân tới, mỗi nơi chốn luôn có điều gì đó để khám phá.
Chiếc thuyền chở chúng tôi từ từ táp vào bờ và dừng lại ở một ngôi nhà dài, nơi chúng tôi được chứng kiến một điều kỳ diệu. Một người phụ nữ đang cắt các thân hoa sen, kéo tách ra và tạo thành các sợi sen mỏng. Sau đó, các cô thợ dệt sẽ dùng chính những sợi sen mảnh này để làm ra những bộ quần áo và phụ kiện đẹp mắt và độc đáo. Nếu bạn đang thấy câu chuyện tôi đang kể là hấp dẫn, bạn hãy đợi nhé vì câu chuyện bây giờ mới bắt đầu.
Vào khoảng một thế kỷ trước, một người phụ nữ có tên Paw Sar Ou muốn dâng tặng tấm áo cà sa đặc biệt lên sư thầy trụ trì ngôi chùa mà bà vẫn thường hay lui tới khấn vái. Do rất mong muốn tạo ra một tặng phẩm thật đặc biệt, bà đã phát hiện ra quy trình lấy sợi từ thân hoa sen, biểu tượng của Phật giáo. Nhờ có tấm áo cà sa làm bằng sợi sen đó mà cả một ngành công nghiệp đã ra đời và thăng hoa. Cây hoa sen bình dị giờ không chỉ là biểu tượng của Phật giáo mà còn là nguồn sống của những người dân Inle.
Câu chuyện của bà Paw Saw Ou và nhiều câu chuyện mà chúng tôi được nghe và chứng kiến trong hành trình đồng hành cùng các doanh nghiệp giúp chúng tôi hiểu rõ tại sao một số doanh nghiệp châu Á lại thành công với đổi mới sáng tạo trong khi các doanh nghiệp khác lại thất bại thảm hại.
Kết luận của chúng tôi: Các doanh nghiệp thành công với đổi mới sáng tạo không đơn thuần là vì họ có một ý tưởng mới hay vì họ đã có cách nghĩ khác. Doanh nghiệp sẽ tạo ra những đổi mới và sáng tạo có giá trị hơn nếu họ xác định được phương pháp riêng nhằm tận dụng thế mạnh nội tại và đưa ra quyết định dựa trên góc nhìn toàn diện và có tính tương quan. Chúng tôi gọi đây là phương pháp đổi mới sáng tạo từ trong ra ngoài.
Phương pháp này bao gồm 3 khía cạnh chính:
Đầu tiên, cần xác định rõ một mục đích sống có ý nghĩa cho doanh nghiệp, từ đó xây dựng một mô hình tổ chức có khả năng tạo điều kiện cho tinh thần đoàn kết được kết tinh. Khía cạnh cuối cùng đó là khả năng thể hiện các ý tưởng kinh doanh thông qua những trải nghiệm có ý nghĩa để có thể thu hút và giữ chân khách hàng. Phương pháp tiếp cận này sẽ giúp tạo điều kiện cần và đủ để đổi mới sáng tạo được nảy mầm và thăng hoa và đem lại các kết quả có tính lợi thế cho doanh nghiệp.
Dưới đây là 10 quy tắc áp dụng của phương pháp này:
1) Biết mình
Có rất nhiều tổ chức chăm chỉ cập nhật thông tin về đối thủ cạnh tranh nhưng lại biết rất ít về sức mạnh bên trong của mình. Mỗi khi chúng tôi tiến hành khảo sát chiến lược toàn diện, chúng tôi nhận thấy rằng những công ty có xu hướng thu lợi lớn hơn từ các dự án đổi mới sáng tạo là các công ty thường xuyên biết tự đánh giá năng lực nội bộ và nhận diện được các điểm yếu của mình. Do đó, các quyết định sử dụng nhân tài và nguồn lực để giải quyết vấn đề có độ chính xác cao, xác suất thành công vì thế cũng tăng lên.
2) Biến khu rừng thành khu vườn
Văn hoá doanh nghiệp của nhiều công ty bị bỏ mặc và biến thành những khu rừng hoang, thiếu đi mục đích chiến lược và kế hoạch định hình. Nhiều người có thể ngạc nhiên với thống kê mà chúng tôi có được, đó là rất nhiều doanh nghiệp đang dễ dãi sử dụng các phương pháp tiếp cận hay tài liệu, công cụ có sẵn mà không bận tâm tuỳ chỉnh để tạo ra văn hoá doanh nghiệp độc đáo của riêng công ty mình. Các mô hình dập khuôn này được sử dụng rất nhiều trong công tác tổ chức nhân sự, xác định hệ giá trị văn hoá cốt lõi và rồi chẳng mấy công ty bận tâm thực hành chính những chính sách mình đưa ra. Rất nhiều công ty có sơ đồ tổ chức nhưng sơ đồ tổ chức đó không có khả năng thể hiện hệ thống quyền lực thật sự trong công ty hay làm nổi bật những tiểu cấu trúc sáng tạo đang giữ vai trò trụ cột sống của công ty. Nói tóm lại, hầu hết các doanh nghiệp không được thiết kế ra để khuyến khích hợp tác và đoàn kết sáng tạo. Chúng tôi nhận thấy rằng chỉ khi các lãnh đạo doanh nghiệp thực sự quan tâm đến văn hoá doanh nghiệp và dành thời gian chăm chút nó như một người làm vườn, dành thời gian nhận ra những nhân tài có tầm ảnh hưởng tốt để từ đó điều động họ một cách hợp lý, doanh nghiệp của họ sẽ được hưởng lợi khổng lồ từ đổi mới sáng tạo.
3) Có một lý do để tin
Bà Paw Sar Ou khám phá ra cách làm mới là vì được chính mục đích của mình truyền cảm hứng. Có quá nhiều doanh nghiệp có tuyên bố tầm nhìn và sứ mệnh và giả định rằng nhân viên của mình nghiễm nhiên sẽ hiểu và tin. Tuy nhiên, thật không may, phần lớn nhân viên đều khá hoài nghi hoặc khó có thể tìm thấy nhiều bằng chứng hiện hữu để tin vào những lời tuyên bố đó. Do vậy, nếu doanh nghiệp thực sự muốn có đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần phải đầu tư thời gian để chia sẻ các câu chuyện có thực về hệ thống niềm tin, khuấy động đội nhóm và tạo tình huống để họ đưa ra quyết định chọn lựa. Bởi vì, nếu như bạn không làm như vậy, bạn xứng đáng nhận phải những thứ “rác rưởi” bởi vì bạn đã không chủ động loại bỏ rác khỏi khu vườn của chính mình.
4) Sự “không chắc chắn” là một món quà
Trong mỗi kỳ bầu cử, “thay đổi” là từ khoá được sử dụng rất nhiều. Cũng như khi tác giả muốn bán sách kinh doanh cho bạn, họ sẽ dùng từ “đột phá”. Tuy nhiên bản thân mỗi thời kỳ sẽ có các điều kiện khác nhau, thay đổi hay đột phá vốn luôn đồng hành với chúng ta. Do vậy, nếu doanh nghiệp thực sự quan tâm đến đổi mới sáng tạo thì họ cần phải biết đón nhận những sự “không chắc chắn”. Thật không may là có quá nhiều doanh nghiệp đang xử sự như thể thế giới đang vận hành đúng như dự báo thời tiết vậy. Chúng tôi nhận thấy rằng khi các lãnh đạo doanh nghiệp học được cách trân trọng và đón nhận các thách thức của sự thay đổi không ngừng, họ sẽ có được điều kiện thuận lợi để giúp những người khác quanh mình nhìn mọi việc với góc nhìn mới, ngay cả khi họ đang trong thời kỳ khó khăn nhất.
5) Yếu tố khiêm tốn
Rất nhiều doanh nghiệp ở châu Á nói về tính khiêm nhường, nhưng khá ít trong số họ đang thực sự thực hành tính khiêm nhường. Khiêm tốn để lắng nghe và ghi nhận ý kiến của những người khác, để chấp nhận thực tế rằng mỗi chúng ta cần phải không ngừng tự đánh giá lại mình và vai trò của mình trên thế giới này. Đây có thể xem là điều khó thực hiện nhất trong rất nhiều tổ chức. Do vậy cũng là dễ hiểu khi số nhân sự “biết nhưng không nói” ngày càng đông trong các tổ chức. Họ là những người nhìn thấy vấn đề và có lời giải cho vấn đề đó nhưng họ không còn buồn lên tiếng nữa. Chính lối suy nghĩ truyền thống rằng chỉ có người sếp hay người có thứ bậc cao hơn mới là người thông minh nhất và người giỏi nhất đang trở thành rào cản các doanh nghiệp có những cuộc đối thoại có chất lượng. “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng không ai có hành động gì cả”. Do vậy, các công ty cần phải nghiêm túc cân nhắc các cách thức khác nhau để tạo ra những tập quán văn hoá giúp thực hành tính lắng nghe, khiêm nhường trong nội bộ doanh nghiệp.
6) Thực tâm
Nếu doanh nghiệp muốn nhân viên của mình thực sự quan tâm thì họ phải cho nhân viên thấy họ thực sự có ý đó. Có quá nhiều biểu tượng, tuyên bố hay kế hoạch chiến lược mà không phân cho ai cụ thể để thực hiện và theo sát cả, cho thấy ban lãnh đạo đâu có thực sự quan tâm và cam kết hành động. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của doanh nghiệp và làm hao mòn lòng tin giữa ban lãnh đạo và nhân viên. Một số CEO có hay hỏi chúng tôi, tại sao khó giữ chân người giỏi quá vậy? Câu trả lời của chúng tôi vẫn thường là, tại sao họ phải quan tâm đến công ty khi mà họ không biết ban lãnh đạo đang thực sự quan tâm đến điều gì. Do vậy, nếu đối với bạn, chiến lược, logo, sản phẩm hay một tập quán văn hoá là quan trọng thì hãy cho nhân viên của mình thấy bạn cam kết đến mức độ nào. Hãy thể hiện nỗ lực tham gia và sắn tay áo cùng làm.
7) Thiết kế có tính tương đối
Là chuyện xảy ra quá thường xuyên khi mọi người nghĩ rằng thiết kế không có mục đích nào khác ngoài việc làm cho mọi thứ trở nên đẹp hơn. Tuy vậy, định nghĩa về sự đẹp hay vẻ đẹp đều có tính tương đối. Ở nhiều nơi ở châu Á, nếu bạn có nước da sáng, bạn được xem là đẹp, nhưng nếu bạn ở nước châu Âu thì bạn lại được xem là không giống ai. Việc có ai đó trong tổ chức hiểu rõ vai trò của thiết kế là rất quan trọng. Các doanh nghiệp cần phải có những người lãnh đạo, những người thiết kế có thể hiểu tầm quan trọng của thiết kế trong ngành công nghiệp mình tham gia trước khi bắt tay làm việc với các công ty thiết kế thuê ngoài. Đây là điểm mấu chốt để có thể thiết kế nên các trải nghiệm phù hợp và có khả năng chuyển hoá giá trị của doanh nghiệp.
8) Có rất nhiều cách để nhìn một sự việc
Việc làm việc hay tiếp cận vấn đề một cách biệt lập đang trở nên không phù hợp bởi lẽ mọi vấn đề đang trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Do vậy các doanh nghiệp cần phải có khả năng nhìn nhận các vấn đề từ nhiều góc nhìn khác nhau trước khi đưa ra quyết định. Các phòng ban marketing, bán hàng, hay phát triển sản phẩm phải học cách hợp tác xuyên phòng ban để cùng đưa ra các giải pháp có tính toàn diện. Trong quá trình tái thiết kế các trải nghiệm thương hiệu cho nhiều khách hàng, thách thức lớn nhất đó là làm thế nào để khiến cho mỗi nhân viên có thể nhìn thấy được giá trị của làm việc chung và nhịp nhàng và làm thế nào để duy trì được điều này khi chúng tôi kết thúc và bàn giao dự án.
9) Ý chí chiến thắng
Rất nhiều tổ chức bỏ cuộc quá sớm sau khi gặp một vài thất bại trong công cuộc đổi mới sáng tạo. Sau khi tìm hiểu rõ hơn các trường hợp này, chúng tôi phát hiện ra rằng có quá nhiều công ty từ bỏ quá dễ dàng hoặc kỳ vọng hái quả ngon ngay lập tức. Thực tế là không phải ngày nào cũng có đột phá trong đổi mới sáng tạo và nó đòi hỏi tài lãnh đạo và sự cam kết lâu dài. Do vậy, ngay cả khi nhiều công ty cùng triển khai chung một ý tưởng đổi mới sáng tạo, tính kiên trì và kiên định chính là yếu tố mang tính quyết định.
10) Cùng nhau dệt
Xét cho cùng, nếu một công ty có năng lực sản xuất ra một sản phẩm chất lượng tốt nhưng thiếu đi một trải nghiệm người dùng tuyệt vời, sản phẩm vẫn không thể bán tốt. Nhiều người nghĩ rằng quan trọng nhất là ở ý tưởng lớn và tính sáng tạo, thực thế là đưa ra ý tưởng là phần việc dễ dàng nhất. Phần việc khó hơn đó là làm thế nào có thể thiết kế một hệ thống mới để thu lợi được từ ý tưởng sáng tạo đó. Từ việc đưa ra quyết định, tới lập quan hệ đối tác với nhà cung cấp, đồng chỉnh văn hoá cho nhân viên, đào tạo thay đổi thói quen cho khách hàng, v.v., tất cả các công tác này đều phải nối được vào với nhau thành một chuỗi trải nghiệm mượt mà và không đứt quãng. Đây có thể coi là vòng luẩn quẩn lớn nhất của những nhà sáng tạo đổi mới, khi phải đối mặt với quy trình khó và nhàm chán để làm cho mọi công đoạn ăn khớp chặt chẽ với nhau.
Nguồn ảnh: Consulus